Có lẻ muốn biết làm thế nào là "đúng" thì luôn luôn phải biết là đúng theo chuẩn nào, nguyên tắc nào, sơ sở khoa học nào. Do đó, trong loạt bài viết về ăn dặm (Phunudep) giới thiệu đến các bố mẹ những nguyên tắc và cơ sở khoa học của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO).
Như (Phunudep) cũng đã nhiều lần nhắc các bố mẹ rằng, nuôi con sữa mẹ và nuôi con sữa công thức là hai phạm trù khác hẳn nhau, không nên chân nọ xọ giày kia. Ngay cả đối với tài liệu hướng dẫn các nguyên tắc ăn dặm cho trẻ nhỏ, WHO cũng có riêng 2 tài liệu, dành cho trẻ bú mẹ (WHO 2004) và dành cho trẻ bú sct (WHO 2005).
NGUYÊN TẮC 1:
Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cho bé ăn dặm khi bé đã được 6 tháng (180 ngày) song song với bú mẹ.
Cơ sở khoa học:
Tháng 5/2001, Hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly) kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy việc trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì nền y tế công cộng toàn cầu.
Đề nghị này được dựa vào báo cáo khoa học năm 2001 của Ban Chuyên gia Tư vấn của WHO về "Thời gian tối ưu của việc bú mẹ hoàn toàn - Optimal Duration of Exclusive Breastfeeding" (WHO 2001).
Báo cáo khoa học này xem xét một cách có hệ thống tất cả các bằng chứng từ từ các nghiên cứu trên thế giới và đưa đến kết luận rằng việc bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng có nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Đứng đầu trong số các lợi ích này là các tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường tiêu hóa cho trẻ sơ sinh, không chỉ ở những quốc gia đang phát triển và ngay cả ở những quốc gia công nghiệp hiện đại. Có một số bằng chứng khác cho thấy khả phát triển vận động cũng được tăng cường nhờ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời.
Đối với người mẹ, việc cho con bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng giúp kéo dài thời gian vô kinh và giảm cân nhanh. Giảm cân là có lợi với hầu hết phụ nữ tăng cân nhiều trong thai ký, nhưng có thể là bất lợi đối với phụ nữ thiếu cân, nhưng với nhóm này, có thể đảm bảo bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Nghiên cứu trên diện rộng cho thấy rằng không có bất kỳ bất lợi nào về phát triển của trẻ khi trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời mà cần phải cho bé ăn dặm sớm hơn 6 tháng. Cho dù bé sinh đủ tháng hay sinh nhẹ cân thì sữa mẹ cũng cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé hoàn toàn trong 6 tháng đầu. (WHO / UNICEF, 1998).
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, một số các chất vi lượng có thể bị thiếu hụt trước sáu tháng.
Vd- chất sắt: Vì cơ thể bé cần sử dụng năng lượng từ 2 nguồn, nguồn chất sắt dự trữ từ sơ sinh (do máu từ nhau được hút hết sang trẻ sơ sinh vài phút ngay khi sinh) và nguồn sữa mẹ. Trong trường hợp bé sinh đủ tháng, cân nặng bình thường có mẹ không bị thiếu máu trong thai kỳ, thì nguy cơ thiếu sắt trước 6 tháng của bé rất thấp. Đối với bé nhẹ cân hoặc mẹ bị thiếu máu trong thai kỳ thì nguy cơ thiếu sắt từ tháng thứ 2, 3 cao hơn và sẽ được kê toa uống bổ sung sắt bắt đầu từ 2 hoặc 3 tháng.
Các chất vi lượng khác có thể bị thiếu là kẽm, vì mặc dù khả năng hấp thụ kẻm trong sữa mẹ trong sữa mẹ cao, nhưng nồng độ tương đối thấp. Tương tự như sắt, lượng dự trữ từ máu nhau thai khi sinh là quan trọng để có đủ kẽm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào là thiếu kẽm trước 6 tháng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Tương tự như cách xử lý trong trường hợp thiếu sắt, bé thiếu kẽm có thể được uống kẽm bổ sung.
Thiếu hụt vitamin thường hiếm gặp ở trẻ bú mẹ, nhưng nếu bà mẹ có chế độ dinh dưỡng lệch (thiếu hẳn một số chất, vd mẹ ăn chay...), trẻ sơ sinh có thể thiếu của một số vitamin (như vitamin A, riboflavin, vitamin B6, và vitamin B12). Trong tình huống này, có thể hoặc là cải thiện chế độ dinh dưỡng của người mẹ hoặc bổ sung cho bé theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian cần thiết, thay vì cho bé ăn dặm sớm.
Vitamin D có thể thiếu ở những bé ở một số vùng xứ lạnh, không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, bé có thể được bổ sung vitamin D trực tiếp nếu cần.
Bài viết (Phụ nữ đẹp) đã giải thích chi tiết về khi nào cần bổ sung D và nên bổ sung ntn theo tài liệu " Nutrient Adequacy of Exclusive Breastfeeding for The Term Infant in the First Six Months of Life (WHO 2002)
Cần biết rằng tăng trưởng và phát triển của bé, hoặc việc bổ sung các chất vi lượng, nếu cần, cũng không hề được cải thiện nhờ ăn dặm sớm, ngay cả trong điều kiện tối ưu (tức là, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm). Mà ngược lại, các loại thực phẩm ăn dặm trước 6 tháng sẽ làm giảm khả năng nhận được tối đa sữa mẹ của bé.
Các Chuyên gia của WHO kết luận rằng đợi đến đủ 6 tháng mới bắt đầu cho bé ăn dặm có nhiều giá trị lợi ích sức khoẻ lâu dài, chứ không có bất kỳ bất lợi nào cho bé bú mẹ hoàn toàn suốt 6 tháng. Đồng thời, từ sau 6 tháng tuổi, nguồn dự trữ của một số vi chất dự trữ trong cơ thể bé từ máu của nhau thai đã cạn, nhu cầu của bé lại tăng, do đó, sữa mẹ đến giai đoạn này không đáp ứng nhu cầu của một số chất, nên việc bé ăn dặm để tiếp nhận thêm dưỡng chất từ một số thực phẩm khác bên cạnh sữa mẹ là cần thiết.
Tuy nhiên, trong môi trường vệ sinh về môi trường tồi tệ (dịch bệnh, thiên tai...), các bé có thể ăn dặm muộn hơn 6 tháng để các bé được giảm nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh truyền qua các thực phẩm ăn dặm.
Ở độ tháng tuổi này, bé cũng đã bắt đầu chủ động tìm hiểu môi trường xung quanh và sẽ tiếp xúc với các chất độc vi sinh trong môi trường xung quanh, cho dù bé có bắt đầu ăn dặm hay không.
Do đó, báo cáo khoa học này kết luận 6 tháng (180 ngày) là độ tuổi thích hợp nhất để bắt đầu tập cho bé ăn dặm.
Xem thêm:
Xem thêm:
NGUYÊN TẮC 2:
Tiếp tục duy trì sữa mẹ, cho con bú theo nhu cầu và thường xuyên cho đến ngoài 2 tuổi.
Cơ sở khoa học:
Tiếp tục cho con bú góp phần dinh dưỡng và năng lượng tốt hơn trong năm đầu đời. Trẻ em bú sữa mẹ trong giai đoạn 12 - 23 tháng nếu vẫn bú mẹ được đúng với dung lượng tiêu thụ "trung bình" của sữa mẹ ở độ tuổi đó (khoảng 550g/ ngày; WHO / UNICEF, 1998) nhận được 35-40% tổng nhu cầu năng lượng từ sữa mẹ.
Bởi vì sữa mẹ có hàm lượng chất béo tương đối cao so với hầu hết các loại thực phẩm bổ sung, sữa mẹ là nguồn năng lượng và các axit béo thiết yếu quan trọng cho sự phát triển của bé.
Hàm lượng chất béo của sữa mẹ rất quan trọng cho việc hấp thụ vitamin A trong chế độ ăm dặm chủ yếu là rau củ của bé ở giai đoạn này. Sữa mẹ cũng tiếp tục cung cấp một lượng đáng kể các vi chất dinh dưỡng nhất định. Trong Gambia, người ta ước tính rằng sữa mẹ cung cấp 70% vitamin A, 40% canxi và 37% lượng riboflavin (vitamin B2) trong giai đoạn 15-18 tháng tuổi (khoảng còn lại cần được hấp thụ qua ăn dặm).
Hiệu quả dinh dưỡng của việc bú mẹ có thể thấy rõ ràng nhất những khi bé bị bệnh, khi bé chán ăn bất kỳ thức ăn nào khác, nhưng bé vẫn có thể được bú bù bắng sữa mẹ, do đó ngăn ngừa được mất nước và không sợ thiếu chất trong giai đoạn phục hồi trong và sau khi bị bệnh.
Cho con bú tiếp tục sau 6 tháng giữ phần quan trọng trong việc dinh dưỡng tốt hơn trong năm đầu đời của bé. Cho con bú dài hơn (ngoài 1 năm) giúp giảm nguy cơ giảm các bệnh mãn tính, béo phì và còn giúp nâng cao phát triển nhận thức cho bé tốt hơn.
NGUYÊN TẮC 3:
Thực hành "PHƯƠNG PHÁP CHO ĂN ĐÁP ỨNG", áp dụng các nguyên tắc chăm sóc tâm lý - xã hội.
Đặc biệt là các nguyên tắc sau:
Bón/ đút cho bé nhỏ và giúp bé lớn hơn tự ăn khi bé tự làm được.
Bón/ đút ăn chậm rãi và kiên nhẫn và khuyến khích bé ăn chứ k được ép
Bếu có nhiều loại thực phẩm bé không muốn ăn, thử thay đổi các phối hợp mùi vị, "cảm nhận" và các Phương pháp khuyến khích khác nhau
Giảm thiểu các yếu tố gây phân tâm trong khi ăn, nếu bé thuộc dạng dễ mất tập trung vào bửa ăn
Luôn nhớ rằng giờ ăn là giờ học ẩm thực và học yêu thương - do đó phải trò chuyện với bé và luôn nhìn bé và giao tiếp (eye-to-eye) với bé.
Cơ sở khoa học:
Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu công nhận rằng việc ăn dặm tối ưu không chỉ là ăn gì, mà còn là cho ăn như thế nào, khi nào, ở đâu và có liên quan đến tính cách của từng bé như thế nào. Các nghiên cứu về hành vi cộng đồng cho thấy rằng cách cho ăn "bỏ mặc" lại khá phổ biến ở những cộng đồng nghèo, bé không được khuyến khích ăn, mà chỉ được quan tâm khi bỏ ăn hoặc bị bệnh. Ở thái cực khác, trẻ con lại bị ép ăn, không học được cách ăn trong tinh thần giao tiếp "đáp ứng".
Một nghiên cứu ở Ghana năm 1999 cho thấy áp dụng "phương pháp quan tâm" (thay vì "bỏ mặc") có tác động tốt đối với bé, cho dù với mẹ ít học hay thất học. Các số nhóm nghiên cứu năm 2002 cũng đề xuất rằng hành vi ăn uống cần được bao gồm trong các hoạt động cần được khuyến khích vì các hành vi này có tác động tích cực đến sự phát triển trẻ em.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều báo cáo rõ ràng về mối quan hệ này giữa cách cho ăn và sự phát triển của trẻ. Hy vọng rằng trong tương lai, khi có nhiều dữ liệu về các nghiên cứu hành vi này, chúng ta có thể xác định rõ hơn loại hành vi ăn uống nào thật sự mang lại kết quả tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển hành vi và tính cách lâu dài của bé.
Trong thời gian này, các hành vi "Phương pháp cho ăn đáp ứng" đã được sự đồng thuận của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
NGUYÊN TĂC 4:
Thực hành các nguyên tắc VỆ SINH đúng và BẢO QUẢN thực phẩm an toàn bằng cách:
- Rửa tay cho người chăm sóc và tay bé trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn
- Trữ thực phẩm an toàn và cho bé ăn ngay sau khi chế biến
- Dùng dụng cụ sạch để chế biến và dọn thức ăn
- Dùng ly chén (cốc bát) sạch để cho bé ăn, và
- Tránh cho bé ăn dặm bằng bình, khó vệ sinh
Cơ sở khoa học:
Chú ý thực hành thói quen giữ vệ sinh tốt nhất trong quá trình chuẩn bị thức ăn và cho ăn là rất quan trọng, để phòng ngừa các bệnh tiêu hoá.
Tỷ lệ tiêu chảy cao nhất trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng, khi bé bắt đầu ăn dặm tăng dần. Thực phẩm nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ em, và có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hiện những nguyên tắc nên trên. Bởi vì thực phẩm là thứ khó giữ sạch và dùng bình sữa lại là thêm một nguồn truyền mầm bệnh. Một nghiên cứu ở Pẻu năm 1989 cho thấy 35% của núm ti bình có vi khuẩn E. coli (vi khuẩn gây tiêu chảy) và 31% của các loại thức uống cho bú trong bình sữa trẻ em bị nhiễm E. coli so với chỉ 2% cho uống bằng ly.
Sử dụng các thực phẩm lên men (sữa chua/ yaourt, phô mai...) có thể làm giảm nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật và và cũng giúp nâng cao hàm lượng dinh dưỡng (WHO, 1998).
NGUYÊN TẮC 5:
Tăng dần độ đặc loãng và mức độ phong phú của thực phẩm khi bé lớn dần, phù hợp với khả năng và nhu cầu của bé.
Bé nhỏ có thể ăn thức ăn xay, nghiền, mềm (semi-solid) khi bắt đầu lúc 6 tháng tuổi. Đến 8 tháng, hầu hết các bé có thể ăn thức ăn cầm tay (bé có thể tự ăn các bửa phụ). Đến 12 tháng, hầu hết các bé có thể ăn theo các món ăn trong bửa ăn của cả nhà (chú trọng các thực phẩm giàu dinh dưỡng như giải thích dưới đây trong tài liệu này).
Tránh những thực phẩm dễ gây hóc/ nghẹn (vd, những món cho hình dáng và độ cứng có thể gây nghẽn khí quản như một số loại hạt, quả nho, cà rốt sống). Khi bé ăn thực phẩm quá cứng so với độ tuổi, bé sẽ ăn được rất ít và thời gian để ăn xong 1 món này lâu hơn, ảnh hưởng đến tổng lượng mà bé ăn được trong 1 bửa.
Cơ sở khoa học:
Theo mức phát triển thần kinh cơ của trẻ cho thấy độ tháng tuổi tối thiểu phù hợp để bé có thể ăn một loại thực phẩm nào đó (WHO/ UNICEF 1998).
Thức ăn mềm hoặc xay nhuyễn là cần thiết lúc đầu, cho đến khi khả năng "ăn trệu trạo" (chuyển động lên và xuống của hàm dưới) hoặc khả năng "nhai" (dùng răng) xuất hiện.
Độ tháng tuổi được nên ở trên tiêu biểu cho khả năng chung của trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
Khi bé ăn thực phẩm quá cứng so với độ tuổi, bé sẽ ăn được rất ít và thời gian để nhai món này lâu ảnh hưởng đến tổng lượng thức ăn mà bé ăn được trong 1 bửa mà bé. Bằng chứng từ nhiều nguồn nghiên cứu khác nhau cho thấy, đến 12 tháng trẻ có thể ăn đặc như "các loại thực phẩm gia đình", mặc dù nhiều bé vẫn còn được cho ăn các loại thực phẩm mềm (có lẽ bởi vì bé ăn quen hơn, nên giảm thời gian cho người chăm sóc).
Có bằng chứng cho thấy "khoản thời gian quan trọng" để bé "quen với thức ăn đặc và không nhuyễn" là trước 10 tháng. Nếu bé ăn hoàn toàn xay nhuyễn quá 10 tháng, bé sẽ có khó khăn trong việc ăn sau này.
Do đó, mặc dù, cho bé ăn thức ăn mềm và nhuyễn tiết kiệm thời gian, bố mẹ phải chú ý cho bé thức ăn đặc và không nhuyễn đúng lúc (trước 10 tháng tuổi) để bé phát triển nhận thức thần kinh cơ tối ưu (cơ hàm, cơ lưỡi, cơ má, cơ cổ..) và ăn được dễ dàng các loại thức ăn đặc hơn về sau này.
NGUYÊN TẮC 6:
Số lượng bửa ăn dặm và mức độ NĂNG LƯỢNG của thức ăn dặm. Tăng dần số bửa ăn phú hợp với tháng tuổi. Số lượng bửa ăn cũng phụ thuộc vào mức độ cung cấp năng lượng của các loại thức ăn và số lượng mỗi bửa.
Đối với một em bé bú mẹ, khoẻ mạnh, bé chỉ nên ăn 2 - 3 bửa nhỏ / ngày từ 6 đến 8 tháng, và 3 - 4 bửa từ 9 đến 11 tháng, và cũng như thế thêm 1 - 2 bửa phụ có chất từ 12 đến 24 tháng. Bửa phụ được định nghĩa là những thực phẩm được ăn giữa các buổi chính, mà bé có thể tự ăn được, dễ ăn và dễ chuẩn bị. Tuy nhiện, nếu mức độ dinh dưỡng và lượng thức ăn mỗi bửa thấp, hoặc bé không còn được bú mẹ nữa, thì bé phải ăn nhiều bửa hơn.
Cơ sở khoa học:
Nguyên tắc trên đây được tình toán dựa trên nhu cầu năng lượng cần có từ ăn dặm và giả định dung tích dạ dày của bé khoảng 30g/ kg trọng lượng cơ thể và mức năng lượng tối thiểu của thực phẩm ăn dặm là 0.8kcal/g. Để tính được số lượng bửa ăn cần thiết tối thiểu như nêu ở trên (2 bửa từ 6 - 8 tháng và sau đó là 3), năng lượng cần thiết mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi và tính theo bé khoẻ mạnh (phù hợp với hầu hết các bé) trừ đi năng lượng trung bình mà bé đã nhận được từ sữa mẹ. Trẻ em được bú mẹ ít hơn, sẽ cần tăng thêm một bửa ăn mỗi ngày (3 bửa từ 6- 8 tháng và sau đó là 4).
Xem bảng "Số bửa ăn cho bé" trong hình minh hoạ.
Nguyên tắc này cũng đưa ra cho chúng ta độ năng lượng tối thiểu trong thực phẩm ăn dặm và lượng sữa mẹ và bé tiếp tục bú, để biết bé cần ăn thêm vao nhiêu cử.
Các mẹ cần nhớ rằng, cho con ăn dặm nhiều hơn cần thiết không có lợi gì cả, chỉ làm mất khả năng bú thêm sữa mẹ. Do đó, chú ý chỉ nên cho bé ăn những thực phẩm ăn dặm giàu năng lượng hơn sữa mẹ.
Một chương trình marketing năm 1998 ở Guatemala khuyến khích sai lầm rằng bé từ 19 đến 24 tháng cần ăn dặm đến 5 bửa/ 1 ngày đã dẫn đến hậu quả là bé giảm hẳn khả năng tiếp tục bú mẹ từ 7 cử bú mẹ hàng ngày trước chương trình marketing, xuống còn 4 cử/ ngày sau khi bé tăng ăn dặm, là không tốt cho bé. Ngoài ra, việc chuẩn bị 5 bửa ăn dặm 1 ngày cũng tốtn nhiều thời gian và công sức để chăm bé mà không thật sự cần thiết, dẫn đến tình trạng thức ăn được làm sẳn cho nhiều bửa nhưng lại k được trữ đúng cách dẫn đến trình trạng thức ăn dặm của bé bị nhiễm khuẩn.
Khi thêm 1, 2 bửa ăn phụ cho bé ngoài 1 tuổi, có thể cho bé ăn một mẩu bánh, một mẩu trái cây, không cần phải chuẩn bị bửa ăn, bé tự ăn được một mình mà không sợ bé bỏ cử sữa mẹ.
NGUYÊN TẮC 7:
Dưỡng chất của thức ăn dặm. Cho bé ăn phong phú để đảm bảo bé nhận được đầy đủ dưỡng chất. Thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng cần được cho ăn hàng ngày hoặc thường xuyên. (Bé không thể ăn chay ở giai đoạn này, trừ khi sử dụng thực phẩm có bổ sung chất đặc dụng.)
Trái cây và rau củ giàu vitamin A phải được ăn hàng ngày. Dinh dưỡng cũng cần đủ chất béo (để hấp thụ các vitamin tan trong chất béo). Tránh cho bé uống nhiều nước hoặc các loại giải khát dinh dưỡng thấp, như soda, nước ngọt, trà... ngay cả nước ép trái cây cũng nên giới hạn, để không làm giảm lượng chất giàu dinh dưỡng khác cần cho bé, như sữa mẹ.
Cơ sở khoa học:
Chỉ cho bé ăn thực phẩm giàu dưỡng chất:
Bởi vì nhu cầu lớn và phát triển nhanh chóng của bé trong 2 năm đầu đời, tỉ lệ lượng chất cần thiết / trọng lượng của cơ thể bé là rất cao (so với người lớn tính trên trọng lượng cơ thể). Sữa mẹ vẫn cung cấp đáng kể dưỡng chất cho trẻ từ 6 đến 24 tháng, cụ thể là protein và rất nhiều loại vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, một vài chất như sắt, kẻm và vitamin A ở giai đoạn này thấp hơn nhu cầu của bé.
Ví dụ, từ tháng 9 đến tháng 11, tỉ lệ các chất bé cần phải nhận từ ăn dặm như sau:
- 97% chất sắt
- 86% kẽm
- 81% phốt pho
- 76% ma-nhê
- 73% muối
- 72% can-xi
Vì bé ăn được lượng rất ít, do đó các thức ăn dặm phải giàu dinh dưỡng, có nghĩa là hàm lượng dưỡng chất/ mỗi kcal thực phẩm rất cao), cách tính hàm lượng dưỡng chất đã được đăng trong tài liệu WHO/ UNICEF 1998) và khi chúng ta so sánh bảng tính hàm lượng dưỡng chất này với một số thức ăn mà cộng đồng hay dùng cho bé ăn dặm thì nhận ra rằng các thực phẩm ăn dặm đó "có vấn đề" vì chỉ đầy bụng, nhưng các dưỡng chất cần bổ sung như nêu trên thấp và năng lượng rất thấp. Đồng thời thực phẩm rau hoa quả cũng không đủ các dưỡng chất cần thiết mà bé phải được ăn dặm thịt cá thường xuyên. Sữa cung cấp nhiều canxi, nhưng lại không giàu sắt.
Theo Viện Nhi khoa Hoa kỳ AAP, nếu gia đình có tiền sử dị ứng, thì không nên cho bé dùng sữa bò trước 1 tuổi và trứng trước 2 tuổi, đậu phộng và cá trước 3 tuổi. Có thể thay thế bằng sản phẩm sữa lên men như sữa chua (yaourt) và phô mai. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu quốc tế khác của WHO/ IAAC 2000 thì không cần phải kiêng cử như vậy.
Nguyên tắc này nhấn mạnh bé cần được ăn những loại thức ăn, trái cây, rau củ nhiều vitamin A hàng ngày không những có lợi ích là giúp bé không bị thiếu vitamin A, mà còn vì thường những thực phẩm này cũng giàu nhiều loại vitamin khác mà bé cần.
(Bộ Y tế mỗi quốc gia được khuyến khích thành lập danh sách hàm lượng dinh dưỡng và năng lượng các thực phẩm phổ biến trong nước.)
Hàm lượng chất béo.
Chất béo rất là cần thiết trong chế độ dinh lưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi vì nó cung cấp các acid béo thiết yếu, giúp hấp thụ các vitamin tan trong chất béo, và giúp tăng thêm mức năng lượng của thực phẩm.
Sữa mẹ là một nguồi dồi dào chất béo hơn hầu hết các loại thực phẩm ăn dặm khác. Vì thế năng lượng từ chất béo cũng giảm dần khi bé bú mẹ giảm dần và ăn dặm nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận là bé cần bổ sung bao nhiêu chất béo qua việc ăn dặm là tối ưu, mức độ được đề nghị là 30%-45% tổng năng lượng cần thiết theo tháng tuổi, nhưng cũng còn tuỳ thuộc vào bé có còn bú mẹ nhiều hay không.
Ví dụ, bé vẫn tiếp tục bú mẹ và lượng chất béo trong sữa mẹ là 38g/L, lượng chất béo trong thực phẩm ăn dặm của bé 6 - 8 tháng là 0-4%, 9 - 11 tháng là 5-38%, 12 - 23 tháng là 17-42%. (Chỉ số thấp hơn vd 0% ở trẻ 6-8 tháng tuổi là dành cho trẻ vẫn có sữa mẹ dồi dào, vì đã nhận đủ chất béo từ sữa mẹ. - Xem thao khảo thêm trong hình minh hoạ)
Do đó, khi lập chế độ dinh dưỡng cho bé nên hiểu tầm quan trọng của việc thêm chất béo vào thực phẩm (vd cháo) để tăng năng lượng cho thực đơn, nhưng phải nhớ cân bằng, không thừa, không thiếu.
Ví dụ, một thìa nhỏ dầu ăn cho 100g hạt kê (món cháo phổ biến ở Châu Phi) tăng năng lượng từ 0.28 lên thành 0.73 kcal/g, nhưng cách làm này lại làm giảm tỉ lệ năng lượng cung cấp từ protein từ 8.9% thành 3.3% và hàm lượng chất sắt từ 0.5mg còn 0.2mg/ 100 kcal. Những tác động này có thể gây nên suy sinh dưỡng trong cộng đồng, trừ khi có những biện pháp để đảm bảo các bé được bổ sung đầy đủ các vi chất.
Phải bỏ các loại nước ngọt, soda, bởi vì các loại nước này cung cấp một ít năng lượng nhưng lại khiến bé không thích ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn.
NGUYÊN TẮC 8:
Dùng thức ăn dặm có bổ sung vi chất hoặc cho bé uống uống vitamin khi cần:
Trong một vài vùng dân cư các mẹ sữa có thể cần dùng thực phẩm có bổ sung vừa để mẹ mạnh khoẻ và đủ chất, vừa đảm bảo đầy đủ dưỡng chất (đặc biệt là vitamin) cho sữa. Các loại thực phẩm/ thuốc bổ sung cũng có thể cần trước khi và trong khi mang thai)
Cơ sở khoa học:
Các thực phẩm ăn dặm gốc thực vật có thể không đủ một số dưỡng chất như sắt, kẻm và canxi, để đắp ứng nhu cầu dưỡng chất chính của bé từ 6 đến 24 tháng (WHO/ UNICEF 1998). Đưa thực phẩm gốc động vật vào thực ddown là cách tốt để đáp ứng cho các dưỡng chất này, tuy nhiên có thể hơn tốn kém cho các hộ nghèo.
(Bộ Y tế các nước cần đánh giá các thực đơn ăn dặm phổ biến để đánh giá xem cách ăn dặm phổ biến trong cộng đồng trong nước có đáp ứng nhu cầu của các dưỡng chất chính này không, và có các biện pháp bổ sung và điều chỉnh.)
Gia tăng vitamin trong chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú là cách đầu tiên để đảm bảo bé nhận được vitamin và các chất vi lượng đầu tiên và nhiều nhất từ sữa mẹ. Sau đó, cộng với thực phẩm ăn dặm, và nếu vẫn chưa đủ dưỡng chất thì mới bổ sung cho bé.
NGUYÊN TẮC 9:
Ăn uống trong và sau khi bé ốm/bệnh
Tăng uống nhiều hơn ăn, đặc biệt là bú nhiều sữa mẹ trong thời gian bệnh. Khuyến khích bé ăn các thực phẩm mềm, phong phú, ngon mà bé thích. Sau khi bé khỏi bệnh, dọn cho bé nhiều thức ăn hơn bình thường và khuyến khích bé ăn nhiều hơn.
Cơ sở khoa học:
Trong khi bệnh, cơ thể cần nhiều chất lỏng hơn bình thường. Bé bị bệnh cũng thường thích bú mẹ hơn là các loại thức ăn khác, do đó các mẹ được khuyên cho con bú thường xuyên hơn khi bé bệnh. Mặc dù bé sẽ biếng ăn, bé vẫn cần dưỡng chất để chống bệnh, nên vẫn cần ăn dặm, nhưng có thể ăn ít hơn bình thường. Sau khi bé lành bệnh, bé cần nhiều dưỡng chất hơn để bổ sung cho phần dưỡng chất bị mất trong thời gian bệnh và năng lượng cần để tiếp tục phát triển bù lại cho thời gian bệnh. Bé cần ăn nhiều hơn cho đến khi bé bù lại cân nặng đã bị giảm trong thời gian bệnh và tăng cân trở lại bình thường.
Ở cấp quốc tế, quốc gia và cộng đồng có thể dựa vào tài liệu này để đưa ra các hướng dẫn và khuyến khích cho cộng đồng, dựa trên những nghiên cứu chi tiết hơn theo điều kiện thực phẩm và thói quan dinh dưỡng của địa phương, để tìm ra cách phối hợp thực phẩm phổ biến trong nước một cách tối ưu.
Ví dụ, để hỗ trợ nguyên tắc đầu tiên là bú mẹ trong 6 tháng đầu, cần có chế độ nghỉ hậu sản phù hợp (6 tháng trong trường hợp của Việt Nam là rất phù hợp), các bệnh viện thân thiện với trẻ em BFHI và việc cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ và bình sữa, các lớp tiền sản để dạy thai phụ chuẩn bị kỹ năng nuôi con sữa mẹ ngay từ khi con sinh ra trong bệnh viện và đảm bảo trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có được chế độ tối ưu, bú mẹ và ăn dặm tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Mặc dù người quyết định cuối cùng rằng sẽ được nuôi nấng, ăn uống như thế nào là bố mẹ/ người chăm sóc trẻ, những quyết định dinh dưỡng mà bố mẹ đưa ra không hoàn toàn độc lập và chịu ảnh hưởng sâu sắc và thể hiện cách mà cả cộng đồng và môi trường xung quanh hiểu về dinh dưỡng của trẻ, các nhà làm chính sách y tế và dinh dưỡng, vì thế, cần giúp cộng đồng có nhưng thông tin hướng dẫn đầy đủ cơ sở khoa học, và những thông điệp truyền thông về dinh dưỡng tối ưu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phù hợp với văn hoá của cộng đồng/ quốc gia đó.
Hy vọng bài viết này giúp các mẹ hiểu vì sao không nên cho con ăn dặm trước 6 tháng.
Trong các phần tiếp theo của loạt bài viêt này, (Phunudep) sẽ có những hướng dẫn cụ thể về thực đơn và cách thức ăn dặm theo tháng tuổi (Phunudep) sẽ giới thiệu thêm về tài liệu - "Ăn dặm: Thức ăn Gia đình cho Trẻ Bú Mẹ" - "Complementary Feeding: Family foods for Breastfed Children", WHO 2000) và cách giữ sữa mẹ cho con song song với ăn dặm.
Chúc các mẹ sữa ngày càng tự tin trong công cuộc nuôi con sữa mẹ lâu dài!
Đừng quên: Đóng góp ý kiến dưới đây để nói lên suy nghĩ của các mẹ, các phụ huynh trong quá trình chăm sóc bé ở thời kì bú mẹ và ăn dặm nhé !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét