Cùng xem một số kinh nghiệm bỏ túi giúp bạn có được một chuyến phượt an toàn, tiết kiệm nhất.
1. Thời gian mùa hoa tam giác mạch
Trên các cao nguyên đá, hoa tam giác mạch đã bắt đầu nở rộ, nó kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Bạn chỉ cần dành khoảng ba ngày là vừa đủ để đi hết những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Hà Giang.
Tháng 10, 11, 12 là thời gian mùa hoa tam giác mạch nở rộ khắp các cao nguyên đá
2. Phương tiện di chuyển
Bạn có thể chọn ô tô khách hoặc xe máy là phương tiện di chuyển tới Hà Giang. Để tiện lợi và tối ưu nhất bạn nên đi phượt bằng xe máy. Nếu đi ô tô bạn sẽ không thể chiêm ngưỡng được hết cảnh đẹp ở cao nguyên đá, và có những địa điểm di chuyển ô tô rất khó khăn. Nếu gặp khó khăn về sức khỏe, bạn có thể đi xe khách tới thành phố Hà Giang rồi thuê xe máy để đi tiếp các địa điểm du lịch khác ở đây.
3. Các cung đường đi
Bạn sẽ có hai con đường chính để đi Hà Giang nếu bắt đầu từ Hà Nội.
Cung 1: Khởi hành từ Hà Nội – Sơn Tây (đi đường 21 ở Cổ Nhuế) – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu rẽ tay trái) – men theo sông Thao tới thị xã Phú Thọ - Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang – theo quốc lộ 2 tới Hà Giang (chiều dài khoảng 300 km).
Cung 2: Khởi hành từ Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang – Hà Giang (hay tới quốc lộ 2C và quốc lộ 2, dài khoảng 280 km).
4. Kế hoạch ăn nghỉ tại Hà Giang
Nghỉ ngơi: Ở Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh và Đồng Văn có rất nhiều nhà nghỉ bình dân. Nếu muốn tiết kiệm chi phí hơn nữa bạn có thể tìm thông tin các gia đình làm dịch vụ homestay, giá chỉ 50.000 – 70.000 đồng mỗi người.
Ăn uống: Hà Giang có nhiều món ăn rất hấp dẫn như cháo ấu tẩu, bánh cuốn trứng, xôi ngũ sắc, thắng cố, thịt bò – trâu gác bếp, rượu ngô… Trời se lạnh, ăn một bát cháo ấu tẩu hay thắng cố nóng hổi, uống chén rượu ngô thơm nồng thì còn gì tuyệt vời bằng.
Đặc sản Hà Giang bạn không nên bỏ lỡ
Ngày 1:
Thời gian khởi hành từ Hà Nội vào buổi sáng bạn có thể tới Hà Giang vào lúc chiều tối. Bạn có thể nghỉ buổi tối ngay tại thành phố, hoặc lựa chọn đi tiếp tới Quản Bạ (cách thành phố hơn 40 km) hoặc Yên Minh để nghỉ tối. Bạn nên nghỉ tại Hà Giang hợp lý nhất để đảm bảo sức khỏe, sau quãng đường 300 km cơ thể cần được nghỉ ngơi. Buổi tối bạn có thời gian đi một vòng thành phố và ăn, nghỉ giữ sức cho ngày mai tiếp tục hành trình của mình.
Ngày 2:
Sau khi ăn sáng bạn nên rời Hà Giang đi Quản Bạ, Yên Minh và tới cao nguyên đá Đồng Văn (có thể dừng ăn trưa tại Yên Minh hoặc Quản Bạ). Trên đường đi Đồng Văn bạn rẽ vào Phó Bảng (5 km) để thăm thị trấn ngủ quên. Nơi đây có những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Trên đường vào Phó Bảng bạn còn có cơ hội đi qua thung lũng hoa hồng và một cánh đồng tam giác mạch lớn ở ven đường (cách thị trấn khoảng 500 m).
Hoa tam giác mạch phủ hồng các cao nguyên đá
Sau khi rời Phó Bảng, địa điểm tiếp theo ngay dưới chân dốc là thung lũng Sủng Là. Nơi có thôn Lũng Cẩm nổi tiếng với ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao” và những thửa ruộng tam giác mạch trắng đẹp mê hồn. Ở Lũng Cẩm rất yên bình, bạn sẽ được tham quan những ngôi nhà người H’Mông lâu đời, con đường với hàng lê san sát và những cây thông ôn đới đẹp tuyệt vời.
Rời Lũng Cẩm, địa điểm tiếp theo là Sà Phìn. Trên đường đi bạn sẽ gặp những thửa ruộng tam giác mạch nằm ngay khúc cua lên bãi đá mặt trăng.
Đến Sà Phìn, bạn ghé thăm dinh thự nhà họ Vương (hay còn họi là nhà vua Mèo). Đây là một trong những dinh thự cổ còn xót lại của những gia đình giàu có nhờ buôn thuốc phiện ở Hà Giang.
Từ dinh thự họ Vương, bạn quay trở lại ngã 3 rẽ đi cột cờ Lũng Cú. Qua Phố Là, Ma Lé để đến cột cờ Lũng Cú – nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S. Ngay trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú bạn sẽ thấy một cánh đồng tam giác mạch lớn trên sườn đồi. Đây là nơi trồng nhiều tam giác mạch nhất cho đến hiện tại. Hành trình tiếp tục đến cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ lũng cú Hà Giang
Sau cột cờ Lũng Cú, bạn có thể lựa chọn quay check cột mốc 428 và sau đó đi Đồng Văn hoặc về thẳng phố cổ Đồng Văn. (chú ý vấn đề thời gian vì đi tới mốc 428 hoàn toàn là đi bộ mất tới gần 3 giờ). Ăn tối và nghỉ lại tại Đồng Văn bạn đã kết thúc ngày thứ 2.
Ngày 3:
Ăn sáng tại Đồng Văn và lên đường chinh phục Mã Pì Lèng, đi Mèo Vạc, Bắc Mê rồi về lại Hà Giang ăn trưa. Về Hà Nội lúc tối muộn. Đoạn đường này dài hơn 400 km nên bạn cần chuẩn bị sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo cho một chặng hành trình khỏe mạnh và an toàn.
Mã Pí Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng hiểm trở.
Với lịch trình này bạn đã ghé qua những địa điểm hấp dẫn và những cánh đồng tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang rồi. Vì thời gian ngắn nên bạn sẽ không có nhiều cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa cùng với người dân bản địa.
Lưu ý khi đi Hà Giang: Để có chuyến đi phượt Hà Giang trọn vẹn và an toàn bạn nên lưu ý một số điều sau:
1. Thuê phòng nghỉ trước
Bạn có thể tìm thông tin và đặt thuê phòng nghỉ trước nếu đi đoàn đông, tránh tình trạng hết phòng hoặc bị chặt chém. Giá dịch vụ ở Hà Giang cao hơn so với các địa điểm du lịch miền Bắc khác, nên bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý và nhớ hỏi giá trước.
2. Mang dụng cụ sửa chữa xe
Nếu đi xa bằng xe máy bạn nên mang theo dụng cụ vá và săm dự phòng, tránh trường hợp đi trên đèo dốc không có quán sửa xe. Không nên đi đoàn quá đông để đảm bảo an toàn trên đường.
3. Không uống rượu bia
Để đi phượt an toàn nhất bạn chú ý hạn chế uống nhiều rượu, bia vào buổi tối khiến cơ thể mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe cho chặng hành trình.
4. Giữ gìn và bảo vệ đồng tam giác mạch
khi đi tới các thửa ruộng, cánh đồng tam giác mạch chụp ảnh bạn cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của người nông dân. Bạn nên xin phép họ trước khi vào chụp ảnh và bạn luôn nhớ câu nói “Không lấy gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân”.
5. Không cho tiền người dân
Dù người dân trên vùng cao rất khổ , bạn không nên cho tiền người dân và trẻ em trên đường tạo thành thói quen xấu.Bạn có thể mang theo ít bánh kẹo cho họ điều này tốt hơn việc bạn cho tiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét